Trà Vinh: Nghề làm chiếu Cà Hom của người Khmer được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

HH&PL – Nghề làm chiếu Cà Hom của người Khmer, tỉnh Trà Vinh vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình nghề thủ công truyền thống.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ký Quyết định số 2321/QĐ-BVHTTDL đưa nghề làm chiếu Cà Hom của người Khmer, thuộc xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình nghề thủ công truyền thống.

Nghề làm chiếu Cà Hom của người Khmer Trà Vinh được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (ảnh: dulichtravinh.com.vn)
Nghề làm chiếu Cà Hom của người Khmer Trà Vinh được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: dulichtravinh.com.vn

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề làm chiếu Cà Hom của người Khmer, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Nghề dệt chiếu Cà Hom tập trung ở các ấp Chợ, Cà Hom và Bến Bạ của xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Làng nghề được hình thành từ những thập niên cuối thế kỉ XIX. Nhờ quy trình sản xuất hoàn toàn làm bằng thủ công, chiếu Cà Hom có chất lượng cao, độ bền, đẹp và hoa văn vô cùng độc đáo. Từ những năm 1960 đến nay, chiếu Cà Hom dần trở nên nổi tiếng và được nhiều người biết đến.

Có thể nói, sản phẩm chiếu Cà Hom khá đa dạng về mẫu mã, có thể kể đến như: Chiếu trắng, chiếu màu, chiếu in hoa, in chữ. Trong đó nổi bật nhất là chiếu hoa với 5 màu chủ đạo là trắng, đỏ, xanh, vàng và tím. Để làm ra một chiếu hoa dệt 2 mặt, đòi hỏi người nghệ nhân phải có sự khéo léo, tinh tế và tính thẩm mỹ cao trong từng đường dệt.

Các họa tiết, hoa văn thường được các nghệ nhân chọn lựa rất tỉ mẩn và công phu cho từng “đứa con tinh thần” của mình sao cho vừa phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hoặc yêu cầu của các thương lái nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng riêng của mình.

Được biết, năm 2014, nghề dệt chiếu được tỉnh Trà Vinh công nhận làng nghề. Làng nghề cũng được đưa vào danh mục cần bảo tồn và phát triển của tỉnh do có nguy cơ bị mai một.

Tính đến nay, Trà Vinh đã có 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bao gồm: Nghệ thuật “Chầm riêng chà pây” của đồng bào dân tộc Khmer; lễ hội Ok Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh; nghệ thuật “Đờn ca tài tử Nam bộ”; “Lễ hội cúng biển Mỹ Long” thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang; nghệ thuật Rô-băm người Khmer tỉnh Trà Vinh; lễ hội Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè; Lễ hội Đom Lơng Néak Tà của người Khmer và Nghề làm chiếu Cà Hom của người Khmer.

Tiểu Kết (theo Công thương)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan