Thành phố Hồ Chí Minh: Xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, nhập lậu

HH&PL – Trong những tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra 17 vụ, thu giữ hơn 12.000 sản phẩm thực phẩm chức năng nhập lậu, không rõ xuất xứ.

Theo thống kê, tại Việt Nam ngành thực phẩm chức năng có quy mô khoảng 2,4 tỷ USD vào năm 2022, đạt tốc độ tăng trưởng kép hằng năm dự kiến 7% từ năm 2023 đến năm 2028. Điều đó cho thấy, ngành thực phẩm chức năng còn nhiều dư địa lớn để phát triển do nhu cầu thực tế của người dân ngày càng tăng.

Cùng với sự phát triển đó, thời gian qua, thị trường thực phẩm chức năng cũng vô cùng hỗn loạn khi nhiều sản phẩm đang quảng cáo quá mức về công dụng. Thậm chí không ít loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhưng được “thổi phồng” để bán với giá cắt cổ. Đặc biệt là với các loại sản phẩm liên quan đến tăng cường sinh lực phái mạnh, chống lão hóa, làm đẹp da, giảm cân… được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội.

Đáng lưu ý, trên thị trường hiện nay không phải sản phẩm thực phẩm chức năng nào cũng là hàng chính hãng, được các cơ quan có thẩm quyền cấp đầy đủ giấy tờ. Nhiều doanh nghiệp có hành vi sản xuất thực phẩm chức năng trong và ngoài nước không đăng ký với cơ quan quản lý mà tự công bố chất lượng sản phẩm. Hoặc đăng ký với cơ quan quản lý một đằng, nhưng sản xuất đưa ra thị trường thì chất lượng một nẻo. Thậm chí, đã có hàng chục tấn thực phẩm giả được gia công đóng gói trong các kho xưởng tồi tàn, xong gắn nhãn mác sản xuất tại Mỹ, Úc, Nhật… đã bị lực lượng chức năng thu giữ.

TP. Hồ Chí Minh: Nhiều khó khăn trong công tác quản lý thực phẩm chức năng
Tháng 4/2024, Công an TP Thanh Hoá đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả quy mô lớn. – (Ảnh: Thái Thanh)

Còn tại TP Hồ Chí Minh, hành vi sản xuất, kinh doanh thưc phẩm chức năng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có xu hướng gia tăng bởi thị trường tại đây rất lớn. Cùng với đó, các việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng lậu, kém chất lượng, thu lợi rất cao nên các đối tượng thường bất chấp mọi quy định của pháp luật.

Trước thực trạng trên, theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, hiện hành thì mặt hàng thực phẩm chức năng thuộc quản lý của Bộ Y tế. Tuy nhiên, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Quản lý thị trường, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, đơn vị đã có nhiều kết quả tích cực.

“Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý, giám sát địa bàn, phòng chống buôn lậu với những mặt hàng nêu trên. Đặc biệt, trong đó có thực phẩm chức năng được xác định là mặt hàng trọng tâm trong các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thường xuyên của lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Quang Huy thông tin.

Về kết quả xử lý vi phạm đối với mặt hàng thực phẩm chức năng, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết:

“Trong khoảng 5 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra và xử lý 17 vụ vi phạm đối với mặt hàng thực phẩm chức năng. Các đơn vị thuộc Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã tạm giữ 12.222 đơn vị sản phẩm (viên, chai, hộp) thực phẩm chức năng các loại nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá khoảng 500 triệu đồng. Hiện nay, đơn vị đã xử phạt với số tiền 216 triệu đồng và buộc tiêu hủy các sản phẩm hàng hóa vi phạm”.

TP. Hồ Chí Minh: Xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, nhập lậu
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh. – (Ảnh: NVCC)

Cũng theo ông Nguyễn Quang Huy, hiện nay trong công tác quản lý, đơn vị này cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định.

“Đối với nhiều mặt hàng thực phẩm chức năng giả hiện nay khi phát hiện, bắt giữ phải được giám định trước khi xử lý, nhưng một số sản phẩm không có mẫu hàng thật do nhiều loại không lưu hành ở Việt Nam hoặc không có đại diện sở hữu dẫn đến cơ quan chức năng không thể xử lý hình sự mà phải chuyển sang xử lý hành chính nên không đủ mang tính răn đe đối với những đối tượng vi phạm.

Ngoài ra, việc lợi dụng nhu cầu dùng thực phẩm chức năng của người dân cao, nhiều đối tượng quảng cáo dược phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng trên các trang mạng xã hội, trang điện tử có tên miền từ nước ngoài. Các đối tượng đã quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn để đánh lừa người tiêu dùng làm cho các cơ quan không quản lý không quản lý được nội dung quảng cáo nên khó xác định được chủ thể quảng cáo và không có cơ sở để xử lý vi phạm”, ông Nguyễn Quang Huy nêu rõ.

Tiến Phòng (theo Công thương)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan