Rà soát, xử lý vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
HH&PL – Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, có 250 nội dung khó khăn, vướng mắc cần được rà soát, xử lý trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa ban hành Công văn số 82/BCĐ389-VPTT về việc rà soát, xử lý khó khăn, vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao và yêu cầu các bộ ngành địa phương xem xét xử lý những tồn tại đó theo thẩm quyền.
Tại Hội nghị Giao ban công tác Quý I năm 2023 ngày 11/5/2023 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ ngành, địa phương tiếp tục rà soát báo cáo những khó khăn, vướng mắc mới phát sinh trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo đó, trên cơ sở hệ thống kết quả rà soát, xử lý khó khăn, vướng mắc trước đây tại các văn bản số 09/BCĐ389-VPTT ngày 11/9/2020; số 06/BCĐ389-VPTT ngày 10/3/ 2021; số 17/BCĐ389-VPTT ngày 8/10/2021 và kết quả rà soát tổng hợp khó khăn vướng mắc mới phát sinh, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành Công văn số 82/BCĐ 389-VPTT ngày 28/7/2023 về việc rà soát, xử lý khó khăn, vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, có 250 nội dung khó khăn, vướng mắc cần được rà soát, xử lý trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả |
Đi kèm theo Công văn số 82/BCĐ389-VPTT là Phụ lục Bảng tổng hợp hơn 250 nội dung khó khăn vướng mắc, được trình bày thành ba nhóm vấn đề.
Thứ nhất, đó là những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách pháp luật (văn bản quy phạm pháp luật). Về nội dung này, có rất nhiều nội dung khó khăn, vướng mắc liên quan đến đến 09 Bộ luật và luật, 01 Pháp lệnh, 01 Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, 33 Nghị định, 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, 20 Thông tư, được đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế và hướng dẫn thực hiện.
Các cơ quan thẩm quyền theo lộ trình đã từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các lực lượng chức năng thực thi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tuy nhiên, cũng còn nhiều tồn tại như chưa cập nhật các khó khăn, vướng mắc một cách hệ thống, tổng thể và yêu cầu cải cách hành chính, nhiều kiến nghị còn chung chung, tản mạn, lồng ghép ý kiến chủ quan, một số cơ quan thẩm quyền xử lý còn chậm tiếp thu và việc xử lý khó khăn, vướng mắc còn kéo dài…
Thứ hai là những khó khăn vướng mắc trong quan hệ phối hợp. Cụ thể, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thực thi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thực hiện theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các quy chế phối hợp giữa các lực lượng, đơn vị chức năng, địa phương, về cơ bản đã phối hợp thực hiện tốt. Tuy nhiên có lúc, có nơi, có đơn vị, địa phương, khu vực vẫn còn tình trạng cát cứ địa bàn, lợi ích, thành tích, vùng miền, lực lượng. Sự trùng dẫm về phân công, phân cấp, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền xử lý, không phân rõ trách nhiệm đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu dẫn đến buông lỏng quản lý.
Việc chia sẻ thông tin còn hạn chế, không thường xuyên, chưa đồng bộ kết nối khai thác được các lợi thế dữ liệu thông tin của các bộ, ngành, địa phương liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp giữa doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà phân phối với cơ quan thực thi pháp luật về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong phát hiện, xử lý vi phạm còn hạn chế. Hợp tác, quan hệ quốc tế (chia sẻ thông tin tội phạm xuyên quốc gia, ủy thác điều tra, dẫn độ…) trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gặp nhiều khó khăn vướng mắc.
Ngoài hai nhóm vấn đề trên, còn có nhiều khó khăn vướng mắc khác như: Kiến nghị bổ sung kinh phí và hậu cần phục vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như mua sắm trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, phương tiện chuyên dùng, xây dựng kho bãi bảo quản, tang vật, vật chứng của các vụ án, vụ việc, xây dựng trung tâm giám định, kiểm nghiệm vùng… Từng bước kiện toàn đội ngũ cán bộ, lực lượng thực thi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đảm bảo về số lượng có đủ phẩm chất, bản lĩnh, trình độ hoàn thành nhiệm vụ được giao, thường xuyên đào tạo chuyên sâu và tập huấn nghiệp vụ chuyên nhanh.
Đồng thời, phân cấp, phân quyền, phân công trách nhiệm quản lý đối tượng, địa bàn, lĩnh vực gắn trách nhiệm người đứng đầu nếu để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng, kéo dài xảy ra thuộc lĩnh vực, địa bàn và trách nhiệm quản lý…