Lãi suất cho vay bình quân giữ ở mức cao: Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo nóng

HH&PL – “Còn nhiều ngân hàng đang duy trì lãi suất cho vay bình quân cao. Đề nghị cơ quan thanh tra giám sát theo dõi chặt tình hình lãi suất của các ngân hàng này”.

Đây là chỉ đạo nóng của Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN tổ chức chiều 25/4.

Theo đó, thông tin về mặt bằng lãi suất, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua tuy các ngân hàng đã có điều chỉnh giảm nhưng đâu đó vẫn có lãi suất cho vay bình quân giữ ở mức khá cao. Phó Thống đốc nêu tên một số ngân hàng cho vay lãi cao và cho rằng Ngân hàng Nhà nước ở các địa phương cần chấn chỉnh tình trạng này. Bởi lẽ, khi doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng phải chia sẻ đồng hành, nuôi dưỡng thì mới duy trì được mối quan hệ cộng sinh lâu dài.

“Còn nhiều ngân hàng vẫn đang duy trì lãi suất cho vay bình quân cao nhưng do thời gian có hạn nên tôi không nêu ở đây. Đề nghị cơ quan thanh tra giám sát theo dõi chặt tình hình lãi suất của các ngân hàng” – ông Đào Minh Tú đề nghị.

Cùng ý kiến, Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cho rằng, việc một vài ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay và lãi suất huy động cao bất thường sẽ phá vỡ đường cong lãi suất, xoá sạch nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc tiết giảm lãi suất.

“Đề nghị các ngân hàng thương mại phải thấy được trách nhiệm của mình với các cổ đông, xã hội mà có mức lãi suất hài hoà, không có sự chênh lệch quá lớn giữa đầu vào và đầu ra” – ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị.

Lãi suất cho vay bình quân giữ ở mức cao: Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo nóng
Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN

Tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng đề nghị các ngân hàng thương mại và lãnh đạo các chi nhánh Ngân hàng nhà nước đề xuất các giải pháp để Thông tư 02 nhanh chóng đi vào cuộc sống ngay từ đầu, không để doanh nghiệp than phiền.

Theo ông Đào Minh Tú, mục tiêu của việc ban hành Thông tư số nhằm tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất-kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng thương mại bên cạnh việc hoãn và giãn thời gian trả nợ, cần tiếp tục hạ lãi suất để tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Qua đó, nguồn vốn tín dụng mới có thể thẩm thấu vào nền kinh tế, phát huy hiệu quả.

Lãi suất cho vay bình quân giữ ở mức cao: Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo nóng
Phó thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu cơ quan thanh tra giám sát theo dõi chặt tình hình lãi suất của các ngân hàng

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tử đầu năm đến nay tăng trưởng tín dụng chỉ bằng hơn 1/3 so với cùng kỳ năm trước; trong đó hầu hết các ngân hàng tăng trưởng tín dụng còn thấp, nhiều ngân hàng chỉ tăng trên dưới 1%, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng âm.

Đến ngày 20/4, quy mô tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,57% so với cuối năm 2022 và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng trưởng trên cao hơn giai đoạn dịch bệnh nhưng thấp hơn năm 2022 và 2021.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, ngoài nguyên nhân cầu tín dụng thấp dẫn tới tăng trưởng tín dụng thấp thì còn có nguyên nhân từ việc thị trường bất động sản gặp khó khăn. Những khó khăn này chủ yếu liên quan đến các vấn đề pháp lý dự án, từ đó dẫn tới tín dụng ngành bất động sản tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước và ảnh hưởng tới tăng trưởng chung.

Vì vậy, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung/bất động sản không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, làm giá, lũng đoạn thị trường bất động sản.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng, cho vay chéo…, cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp “nội bộ” có nguy cơ rủi ro lớn.

Lê Na (theo Công thương)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan