Doanh nghiệp dồn dập nhận đơn hàng, xuất khẩu gạo liên tục lập kỷ lục

HH&PL – Nhận đơn hàng dồn dập trong nhiều tháng qua, hiện nhiều doanh nghiệp gần như vét sạch kho để xuất khẩu và phải chờ thu mua mới có hàng để giao tiếp.

Thiết lập mức giá mới

Tất bật chuẩn bị hàng để giao sang thị trường Hàn Quốc, ông Nguyễn Phước Nam – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Kiên Giang chia sẻ, công ty vừa chốt được đơn hàng 16.667 tấn gạo thơm sang Hàn Quốc với giá bán 674 USD/tấn. Đây là mức giá cao trong số các nước xuất khẩu gạo.

Đơn hàng sẽ được thực hiện trong tháng 7/2023. Trước đó, cũng tại thị trường này, công ty vừa giao xong đơn hàng 11.347 tấn gạo.

Theo ông Nguyễn Phước Nam, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của công ty và doanh nghiệp ngành lúa gạo tiếp tục tăng trưởng tốt do thời tiết ở nhiều quốc gia châu Á khắc nghiệt; tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán gay gắt ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc khiến nguồn cung gạo bị thiếu hụt.

Nhìn nhận về thị trường xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Văn Đôn – Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng – cho biết, Việt Nam đang có nhiều cơ hội khi sản lượng gạo của Ấn Độ và Thái Lan bị ảnh hưởng vì El Nino khiến năng suất giảm. Trong khi đó, chiến sự Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực trên toàn cầu tăng.

Theo ông Đôn, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều nhận đơn hàng dồn dập trong nhiều tháng qua nhưng nguồn cung gạo trong nước không đáp ứng đủ. “Các doanh nghiệp gần như vét sạch kho để xuất khẩu. Giờ chờ thu mua lúa gạo vụ mới thì mới có hàng giao tiếp”, ông Nguyễn Văn Đôn nói.

Doanh nghiệp dồn dập nhận đơn hàng, xuất khẩu gạo liên tục lập kỷ lục
Xuất khẩu gạo tiếp tục khởi sắc

Nhu cầu nhập khẩu gạo ở mức cao khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục được đẩy lên. Tuần trước, giá gạo từ các nguồn cung chính ở châu Á liên tục “nhảy múa”. Nửa đầu tuần, giá gạo Việt Nam và Thái Lan đã điều chỉnh 2-3 lần với tổng mức tăng khoảng 10 USD/tấn với gạo 5% tấm, hiện đứng ở mức 513 USD/tấn. Đến nửa cuối tuần, gạo cùng phẩm cấp từ Ấn Độ và Pakistan cũng liên tục điều chỉnh với tổng mức tăng lên tới 25 – 30 USD/tấn; đạt 493 – 520 USD/tấn.

Thực tế từ đầu năm đến nay, giá gạo trên thị trường thế giới “sốt” hết đợt này đến đợt khác do thông tin thời tiết bất lợi liên tục được cập nhật. Việc này dẫn tới tâm lý tích trữ gạo ở nhiều quốc gia.

Nhìn vào hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 6 tháng qua, có thể thấy ngay từ đầu năm nhiều khách hàng truyền thống như Philippines hay Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Malaysia tăng lượng gạo nhập khẩu. Một khách hàng lớn khác là Indonesia cũng quay trở lại nhập khẩu một lượng lớn, sau một thời gian cố gắng tự chủ.

Không chỉ khách hàng lớn mà khách mua cũng tăng mạnh từ khắp nơi trên thế giới. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 5, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Đài Loan tăng 142%, Senegal tăng 11 lần, Chile tăng 4,1 lần, Thổ Nhĩ Kỳ tăng gần 16 lần, hay ngay cả các nước châu Âu như Ba Lan tăng 117%, Bỉ tăng 165%, Tây Ban Nha tăng 307%…

Tiếp tục thuận lợi

Nhận định từ các chuyên gia, xuất khẩu gạo 2 quý cuối năm sẽ tiếp tục thuận lợi nhờ nhu cầu gạo còn tăng nhẹ có thể do cung ứng các nguồn lương thực khác hạn chế. Những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở những nước khu vực Trung Đông tạo ra cơ hội gia tăng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao khi người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam..

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương Tô Ngọc Sơn đánh giá, nhu cầu nhập khẩu gạo tại thị trường truyền thống của Việt Nam như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi tăng đang tạo cơ hội để ngành gạo tăng tốc xuất khẩu. Đặc biệt, cả Indonesia và châu Phi đều công bố lượng nhập khẩu tăng đáng kể so với năm trước, bảo đảm dự trữ lương thực quốc gia.

Đơn cử, Indonesia đã quyết định gia tăng lượng gạo thu mua dự trữ lên 2,4 triệu tấn thay vì khoảng 1,2 triệu tấn nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Tương tự, để đáp ứng nhu cầu về gạo ước đạt trên 42,2 triệu tấn trong năm 2023, châu Phi dự kiến nhập khẩu khoảng 17,7 triệu tấn.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, hiện nay, nguồn cung gạo thế giới khan hiếm trong khi nhu cầu tiêu thụ rất cao, từ tất cả các thị trường. Ước tính, nhu cầu của khách hàng đối với gạo Việt Nam tăng thêm ít nhất hơn 1 triệu tấn trong năm 2023, so với mức trung bình các năm. Chính vì vậy, tình hình thị trường từ nay đến cuối năm vẫn rất khả quan.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng đến cuối năm nay do lượng gạo tiêu thụ trên thế giới tăng cao kỷ lục trong năm 2023 – 2024, trong khi sản lượng sản xuất và tồn kho gạo toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. “Dự kiến năm 2023, sản lượng lúa toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đạt hơn 24 triệu tấn. Đây sẽ là nguồn cung gạo hàng hóa lớn cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu”, báo cáo khẳng định.

Nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, mới đây, Thủ tướng ban hành Công điện số 610/CĐ-TTg. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương phát triển giống lúa năng suất, chất lượng cao phù hợp yêu cầu thị trường, sử dụng hiệu quả thương hiệu và nhãn hiệu Gạo Việt Nam/VietNam rice; xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với hội nhập quốc tế trong tình hình hiện nay.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo. Cùng với đó, Bộ cần tận dụng tiến trình rà soát các Hiệp định thương mại để đề nghị các đối tác mở cửa thêm, gia tăng hạn ngạch cho Việt Nam.

Hà Duyên (theo Công thương)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan