Doanh nghiệp dành hàng trăm tỉ đồng trữ sẵn hàng, kỳ vọng sức mua cuối năm

HH&PL – Quý cuối cùng của năm 2023, các địa phương, doanh nghiệp sản xuất đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn cung hàng hóa cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Doanh nghiệp dành hàng trăm tỉ đồng trữ sẵn hàng, kỳ vọng sức mua cuối năm
Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn hàng Tết, phục vụ người dân. Ảnh: Cường Ngô

Dành hàng trăm tỉ đồng để trữ sẵn hàng

Nhiều doanh nghiệp thời điểm này đã chuẩn bị xong nguyên liệu, bắt tay vào sản xuất hàng hóa phục vụ Tết Quý Mão 2023. Tại nhà máy sản xuất của Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), một số dây chuyền đã “chạy” sản lượng cho cuối năm nay.

Trao đổi với Lao Động, ông Phan Văn Dũng – Phó Tổng Giám đốc Vissan – cho biết, đến thời điểm này, sản lượng hàng hoá của doanh nghiệp giảm 10% so với cùng kỳ. Ông Dũng nhận định, sản lượng hàng hoá giảm là do kinh tế gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng bởi tác yếu tố không thuận từ bên trong và bên ngoài. Người tiêu dùng vẫn tiết kiệm chi tiêu và quan tâm nhiều đến giá cả hàng hóa.

Tuy nhiên, ông kỳ vọng từ giờ đến cuối năm, thị trường sẽ ấm lên. “Hiện nay, chúng tôi đã chuẩn bị ngân sách hàng trăm tỉ đồng để dự trữ, sản xuất hàng hoá cuối năm, hàng Tết. Để kích cầu tiêu dùng, chúng tôi sẽ duy trì các hoạt động khuyến mại theo hình thức cuốn chiếu. Các mặt hàng thực phẩm chế biến sẽ luân phiên được giảm giá đến 30%, thực phẩm tươi sống cũng sẽ giảm giá nhưng ở mức thấp hơn…” – ông Dũng nói.

Tương tự, đại diện siêu thị MM Mega Market (MM) cho biết, cuối năm sẽ còn nhiều chương trình khuyến mãi nhằm kích thích sức mua. Việc giữ giá bán bình ổn, tăng khuyến mãi đối với hàng thiết yếu là phương án được ưu tiên xuyên suốt, trong đó nhiều mặt hàng có thể được áp dụng giảm giá 10 – 30%.

Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – nhận định, 9 tháng năm 2023, tình hình thị trường trong nước về cơ bản tương đối ổn định, nguồn cung các hàng hóa trong nước được bảo đảm.

Riêng mặt hàng thóc gạo, do ảnh hưởng của thị trường thế giới, trong đó có việc ngừng xuất khẩu gạo của Ấn Độ nên giá thóc gạo trong nước đã tăng khá cao từ nửa cuối tháng 7 đến nay, tuy nhiên, nguồn cung thóc gạo cho thị trường trong nước vẫn được bảo đảm.

“Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường vẫn luôn cam kết bán giá ổn định, hoặc thấp hơn thị trường 5-10%. Trong trường hợp tăng giá do chi phí vận chuyển, nguyên liệu… tăng, doanh nghiệp sẽ có báo cáo đến Sở Tài chính” – bà Nga cho hay.

Doanh nghiệp dành hàng trăm tỉ đồng trữ sẵn hàng, kỳ vọng sức mua cuối năm
Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn hàng Tết, phục vụ người dân. Ảnh: Cường Ngọc

Cần phát huy các đợt kích cầu tiêu dùng

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, điều đầu tiên phải giải bài toán giữa sản xuất và phân phối tiêu dùng.

Theo ông, hàng hóa sản xuất hiện nay của chúng ta khá dồi dào, chất lượng được nâng cao một bước, tuy nhiên sự gắn kết giữa sản xuất phân phối còn lỏng lẻo, chia cắt, mang tính cục bộ, lợi nhuận trong chuỗi giá trị phân chia không công bằng, thiệt hại thường rơi vào người sản xuất của cải vật chất cho xã hội. Các chuỗi cung ứng ngắn tạo ra nhằm giảm chi phí ở khâu trung gian chưa được thiết lập nhiều.

Thứ hai, việc kiểm soát hàng hóa buôn lậu, gian lận thương mại tuy có cố gắng nhưng chưa đạt hiệu quả cao, người sản xuất kinh doanh chân chính bị thua thiệt. Mặt khác việc cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại nội địa còn thiếu bình đẳng, minh bạch, công khai.

Bên cạnh đó, giá cả hàng hoá thiết yếu bị đẩy lên cao do sự độc quyền của một số nhà bán lẻ, ở trên thị trường hiện nay mà hầu như chưa có những can thiệp của các hiệp hội, cơ quan quản lý Nhà nước. Chính những điều này đã làm hạn chế đáng kể việc kích cầu tiêu dùng.

Do vậy, để kiểm soát, điều hành giá mặt hàng thiết yếu trên thị trường, ông Phú cho rằng, cần phải phát huy các đợt kích cầu đã, đang và sẽ diễn ra từ nay trở đi, nhất là việc giảm thuế VAT. Đồng thời cần tạo thêm sức mua xã hội một cách bền vững.

Chính điều này sẽ tạo ra những đóng góp tích cực vào việc thực hiện kế hoạch lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2024 làm tiền đề cho sự phát triển sản xuất thương mại dịch vụ những năm tiếp theo.

(Theo Công thương)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan