Bộ Công Thương triển khai 4 giải pháp chính trong thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

HH&PL – Để triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng kịp thời, hiệu quả, Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện 4 giải pháp chính.

Phát biểu tại Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 08 Luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thực hiện nhiêm vụ được giao, Bộ Công Thương với vai trò là Cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai xây dựng Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Dự án Luật đã được xây dựng theo đúng trình tự, thủ tục quy định, bảo đảm tiến độ và chất lượng đã được Chính phủ và Quốc hội đặt ra. Trong quá trình xây dựng, các cơ quan hữu quan đã nghiêm túc tổng hợp để tiếp thu, giải trình đầy đủ tất cả các ý kiến tham gia đối với Dự án Luật; quá trình tiếp thu, chỉnh lý được thực hiện bám sát theo quan điểm, mục tiêu, chính sách đặt ra khi sửa đổi Luật.

“Ngày 20/6/2023 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm 07 Chương, 80 Điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 và thay thế Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12” – Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay.

Bộ Công Thương triển khai 4 giải pháp chính trong thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại họp báo

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng thông tin về một số điểm mới Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:

Đối tượng áp dụng: Luật bổ sung thêm đối tượng áp dụng là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chính trị – xã hội; làm rõ tổ chức xã hội bao gồm tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Luật cũng bổ sung, làm rõ khái niệm về một số chủ thể mới, bao gồm: người tiêu dùng, người có ảnh hưởng, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, tổ chức bán hàng đa cấp và cá nhân tham gia bán hàng đa cấp. Đối với các giao dịch có yếu tố xuyên biên giới, các giao dịch trên không gian mạng, Luật đã bổ sung đối tượng mới là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng: Nhằm nâng cao vai trò, vị trí của người tiêu dùng trong xu hướng tiêu dùng mới, đồng thời, bảo đảm cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, Luật bổ sung một số quyền mới của người tiêu dùng như quyền được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững; quyền yêu cầu tổ chức hoặc hỗ trợ thương lượng để giải quyết tranh chấp phát sinh, đồng thời bổ sung một số nghĩa vụ như tuân thủ quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về việc cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ về thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật

Sản xuất và tiêu dùng bền vững: Nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đồng thời, thể hiện rõ vai trò của người tiêu dùng trong xu hướng tiêu dùng mới, Luật bổ sung quy định về sản xuất và tiêu dùng bền vững, bao gồm: khái niệm về tiêu dùng bền vững, quy định các hoạt động thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững và quy định về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Bộ Công Thương triển khai 4 giải pháp chính trong thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về 8 Luật vừa được Quốc hội thông qua

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương là quy định mới, thể hiện rõ nét chủ trương, chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ toàn diện quyền lợi chính đáng của người dân. Luật xác định rõ 07 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương và quy định một số trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó nổi bật là trách nhiệm áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

Các hành vi bị cấm: Luật bổ sung một số hành vi bị cấm, trong đó, bao gồm hành vi bị cấm chung, hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp; tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số.

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng: Luật bổ sung quy định về trách nhiệm bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán, cung cấp cho người tiêu dùng; quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; làm rõ thời hạn tính lại bảo hành trong trường hợp đổi mới sản phẩm, hàng hóa; bổ sung quy định về trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng; và trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết.

Đối với quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật: Luật phân loại 02 nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, gồm nhóm A và nhóm B. Đối với mỗi nhóm, Luật quy định trách nhiệm thu hồi tương ứng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc xác định nhóm khuyết tật và thực hiện thu hồi theo phương thức phù hợp.

Bộ Công Thương triển khai 4 giải pháp chính trong thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Đại diện Bộ Công Thương và các bộ, ngành tham dự họp báo

Một số giao dịch đặc thù: Luật bổ sung một số quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch đặc thù, gồm: Quy định rõ các thông tin cần cung cấp trong giao dịch từ xa; trách nhiệm đặc thù của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng. trong đó, bao gồm trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian và tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn.

Đồng thời, quy định trách nhiệm thông báo công khai về đại diện theo pháp luật tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam và thông báo công khai về đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam trong cung cấp dịch vụ liên tục.

Ngoài ra, Luật còn bổ sung bán hàng đa cấp, bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên, đồng thời, quy định thêm trách nhiệm đặc thù của các tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thực hiện giao dịch trên với người tiêu dùng.

Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội và tổ chức xã hội: Luật mở rộng phạm vi các tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cơ sở khuyến khích, tạo điều kiện để tất cả các loại hình tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, Luật bổ sung sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sự tham gia đa dạng, toàn diện của các tổ chức trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực thi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi cả nước.

Phương thức giải quyết tranh chấp: Luật bổ sung quy định về quyền của người tiêu dùng yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thương lượng hoặc quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ thương lượng khi quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Đối với phương thức tại tòa: Luật hoàn thiện quy định về thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định này nhằm tạo ra sự đột phá, có khả năng nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại tòa án. Theo đó, vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng thì được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Luật bổ sung quy định về tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng: Trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng, tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng.

Quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Luật bổ sung trách nhiệm cụ thể của UBND từng cấp tỉnh, huyện và xã. Bổ sung để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, UBND cấp tỉnh trong việc: xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thực hiện việc giao nhiệm vụ cho tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xây dựng cơ chế phối hợp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại trung ương và tại địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, với các quy định mới nêu trên, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bền vững để góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Để triển khai thi hành Luật kịp thời, hiệu quả, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các hoạt động:

Thứ nhất, nhanh chóng xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật.

Thứ hai, tập trung xây dựng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, rà soát sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Thứ ba, chủ động và thường xuyên thực hiện phổ biến, tuyên truyền Luật, văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật tới các chủ thể có liên quan trên phạm vi cả nước.

Thứ tư, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chương trình, công cụ, cơ sở dữ liệu về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nâng cao hiệu quả thực thi Luật.

Sáng 17/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 08 Luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5 gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Giá, Luật Phòng thủ dân sự; Luật Hợp tác xã; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Giao dịch điện tử; Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí kịp thời tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung 08 Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và vừa được Chủ tịch nước Công bố để các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp Nhân dân hiểu và thực hiện.

Lê Na (theo Công thương)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan