Quảng Nam: Việc trùng tu Chùa Cầu đã hoàn thành bài bản, khoa học

HH&PL – Chủ tịch UBND TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) khẳng định dự án tu bổ di tích Chùa Cầu bảo tồn tối đa các giá trị về kiến trúc, văn hóa, lịch sử của di tích.

Chiều 3/8, UBND TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) tổ chức lễ khánh thành dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều).

Khánh thành Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu
Khánh thành Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Báo cáo kết quả dự án, ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, khẳng định hình dáng của kiến trúc, cấu trúc của kết cấu chùa Cầu, từ tổng thể đến chi tiết được bảo tồn gần như nguyên vẹn sau trùng tu. Trong sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể.

Việc trùng tu được bảo tồn tối đa các giá trị nguyên gốc. Hình thái kiến trúc chùa Cầu sau khi tu bổ hầu như không thay đổi.

Sau trùng tu, di tích Chùa Cầu đã khắc phục gần như triệt để các khiếm khuyết, gia cường đáng kể sự chắc chắn, đảm bảo sự ổn định, bền vững để tiếp tục trường tồn cùng di sản văn hóa Hội An.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam)
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam)

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, trải qua hơn 400 năm tồn tại, mặc dù đã được gìn giữ, trùng tu, Chùa Cầu vẫn không tránh khỏi sự xuống cấp và cần phải được tu bổ khẩn cấp.

Đây là lần đầu tiên mà công trình tu bổ di tích được “Giải phẫu mở”, thực hiện giữa lòng một Đô thị Di sản du lịch nhộn nhịp, người dân, du khách được quan sát, tiếp cận và theo dõi, tìm hiểu toàn bộ quá trình thực hiện tu bổ di tích Chùa Cầu”, ông Sơn cho hay.

Theo ông Sơn, với sự khảo sát tỉ mỉ hiện trạng, cân nhắc kỹ lưỡng quan điểm, giải pháp tu bổ, cùng với sự tận tâm của đội ngũ trực tiếp tham gia dự án và ý kiến đóng góp của các chuyên gia về bảo tồn trong và ngoài nước – nhất là các bạn chuyên gia đến từ đất nước Nhật Bản, của các ban ngành, đoàn thể liên quan, đặc biệt là sự quan tâm, khích lệ của công chúng, sau hơn 19 tháng triển khai thi công tu bổ, việc trùng tu Chùa Cầu đã hoàn thành một cách bài bản, khoa học.

Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu đã đạt được những thành quả tốt đẹp như mong đợi, bảo tồn tối đa các giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa của di tích, đáp ứng sự mong mỏi của những ai yêu mến và trân quý công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt này. Việc hoàn thành tu bổ di tích Chùa Cầu còn mang ý nghĩa to lớn trong dịp kỷ niệm lần thứ 20 sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản”, Chủ tịch UBND TP. Hội An nói.

Ông Phan Thái Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
Ông Phan Thái Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Theo ông Phan Thái Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Chùa Cầu là di tích quốc gia, có giá trị đặc biệt trong quần thể kiến trúc Di sản văn hóa hóa thế giới Đô thị cổ Hội An; là công trình lưu giữ những dấu ấn lịch sử tiêu biểu, chiều sâu văn hóa đặc sắc, biểu thị cho truyền thống giao lưu văn hóa quốc tế của mảnh đất và con người Hội An, Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung. Đây không phải là lần đầu Chùa Cầu được trùng tu. Vì vậy, việc tu bổ di tích Chùa Cầu đặt ra yêu cầu rất cao về nhiều mặt cả trong quá trình chuẩn bị và triển khai thi công.

Quá trình trùng tu được UBND TP. Hội An tiến hành rất kỹ lưỡng về mặt khoa học, lịch sử, văn hóa và các quy trình, thủ tục pháp lý. Có nhiều ý kiến khác nhau về kết quả trùng tu Chùa Cầu là việc rất bình thường, qua đó cho thấy rất nhiều người yêu mến Chùa Cầu, Hội An”, ông Bình cho hay.

Du khách tham quan Chùa Cầu
Du khách tham quan Chùa Cầu

Theo ông Bình, ngành Văn hóa, thành phố Hội An, lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu, tham khảo để công tác trùng tu các di tích nói riêng và công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích tại Hội An cũng như trên địa bàn tỉnh được tốt hơn.

Sau khi được tu bổ, Chùa Cầu sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, mang lại nhiều giá trị văn hóa và kinh tế cho Hội An. Đây cũng là cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh một Hội An năng động, giàu truyền thống và luôn hướng tới tương lai”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.

Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu khởi công tháng 12/2022 với tổng kinh phí 20,2 tỷ đồng. Trước lễ khánh thành dự án, diện mạo của Chùa Cầu đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, người dân Hội An và phần lớn du khách đều cho rằng việc giữ nguyên được kiến trúc và đảm bảo an toàn của Chùa Cầu là quan trọng nhất.

Vũ Lê (theo Công thương)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan