Cục Quản lý thị trường Quảng Bình: Xử lý 193 vụ vi phạm trong quý III/2023
HH&PL – Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Quảng Bình, quý III/2023, lực lượng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 267 vụ; xử lý 193 vụ vi phạm.
Theo đại diện Cục QLTT tỉnh Quảng Bình, bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng Cục QLTT, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, trong quý III/2023, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã tập trung chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó tập trung vào các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm: xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thuốc lá, đường cát, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,.. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an trong công tác để kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên khâu lưu thông và trên thị trường nội địa.
Trong quý III/2023, lực lượng QLTT tỉnh Quảng Bình đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 267 vụ, phát hiện 183 vụ vi phạm và đã xử lý 193 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, thu khác, tiền bán hàng tịch thu, giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu, giá trị tang vật tịch thu tiêu hủy, buộc tiêu hủy là hơn 3,8 tỷ đồng. Tổng số tiền đã nộp ngân sách nhà nước trong kỳ hơn 1,8 tỷ đồng (tăng 72 % so với cùng kỳ năm 2022).
Tính đến nay, tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trong 9 tháng đầu năm 2023 của Cục QLTT tỉnh Quảng Bình hơn 4 tỷ đồng, đạt 88,9 % chỉ tiêu được giao trong năm 2023.
Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình cũng đã chủ động thực hiện tốt công tác phối hợp với các lực lượng, sở, ban, ngành chức năng trên địa bàn và Cục QLTT các tỉnh/thành phố; làm tốt công tác thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh,….
Trong quý III/2023, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 267 vụ |
Theo dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn. Nhất là vào thời điểm các tháng cuối năm, dịp lễ, Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với các nhóm mặt hàng thiết yếu tăng cao do đó sẽ tác động đến sự biến động của giá cả và tình hình cung cầu hàng hóa trên thị trường trong tỉnh. Trước tình hình đó, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng Cục QLTT, cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ về quản lý địa bàn, thu thập thông tin, nắm bắt tình hình thị trường để thực hiện tốt hơn trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và phối hợp các ngành chức năng để ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý ở trên địa bàn.
Ông Vũ Quang Thắng- Cục trưởng Cục QLTT Quảng Bình – cho hay, trong các tháng cuối năm, đơn vị sẽ tập trung chỉ đạo các Đội QQLTT tăng cường triển khai việc kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm như: xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng, lĩnh vực thương mại điện tử, thuốc lá, đường cát; an toàn thực phẩm; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;…
Ngoài ra, các Đội QLTT sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát, nắm bắt các đối tượng kinh doanh về phương thức, thủ đoạn, các địa điểm cất giấu hàng hóa là hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả,… để xây dựng phương án kiểm tra phù hợp. Xây dựng các cơ sở cung cấp thông tin về hành vi vi phạm pháp luật chính xác, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả,… ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật trên khâu lưu thông và trên địa bàn; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm…; thực hiện kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.